KTS Phạm Nhân Thọ cùng với nghề đi đến gần sự thật
Quán Hẻm là một câu chuyện về lòng kiên trì đeo đuổi công việc của những người thiết kế, bởi có quá nhiều thay đổi, quá nhiều thử thách trong suốt quá trình từ lúc hình thành ý tưởng đầu tiên cho đến khi công trình đưa vào sử dụng.
Tổng thể công trình khi nhìn từ trên cao
Mặt tiền công trình nhìn từ các góc khác nhau
Ban đầu, công trình do một nhóm người cùng chung vốn đầu tư và khai thác, dự kiến là một khu tập gym kết hợp với food court mà công năng chính vẫn là không gian gym, phần food court chỉ là phụ, phục vụ chủ yếu cho khách đến tập luyện thể thao ở đây. Do vậy, việc nấu nướng pha chế mang từ nơi khác tới, không cần bếp. Giữa chủ đầu tư và bên thiết kế đã xác định rõ ràng như vậy, mọi việc được triển khai qua các giai đoạn thiết kế, hệ thống móng cọc đã định hình thì nhiều vấn đề xảy ra, liên quan đến việc thay đổi kế hoạch đầu tư và khai thác cũng như quản lý quy hoạch từ phía địa phương. Quy hoạch xây dựng bắt buộc họ phải thay đổi phương án kiến trúc. Từ một công trình có chiều cao tương đương bốn tầng với hình khối hiện đại và năng động buộc phải điều chỉnh để giống như một cái nhà kho với kiểu mái hình bánh ú. Tiếp tục, nhóm đầu tư muốn nâng tỷ lệ không gian phục vụ ẩm thực và bớt diện tích khối gym… Cuối cùng, công trình thay đổi hẳn mục đích ban đầu, chuyển sang công năng thuần túy là một khu food court.
Các khối chức năng được sắp xếp để tạo thành những con hẻm
Tất cả những điều ấy đã tác động đến tâm lý cũng như cảm hứng của một số thành viên trong nhóm thiết kế, nhưng họ vẫn động viên nhau để quyết tâm dù với bất cứ kiểu gì thì cũng phải có được một công trình tốt nhất có thể, và họ lại tiếp tục. Tình thế lúc này dường như bắt họ phải trở lại từ đầu, đồng thời phải kế thừa nhiều thứ đã định hình, cũng như phát sinh: hệ thống móng cọc cho phòng gym đã xong; phải có thêm gian bếp nội khu (bởi thành viên đầu tư có ưu thế về mảng nhà hàng trước đây đã rút vốn nên phương án đưa đồ ăn từ nơi khác tới không còn khả thi).
Từ phòng gym theo ý tưởng ban đầu, thiết kế mới chuyển sang hình thành một food court thuần túy. Họ nghĩ đến việc tạo ra một không gian để khách đến thưởng lãm ẩm thực có cảm giác như bước vô nhiều tiệm ăn khác nhau, có thể lựa chọn ẩm thực đa dạng… Nhóm quyết định phân khu các không gian dưới “mái bánh ú được cho phép” thành những khối nhỏ, các bức tường tạo nên các phòng mà cũng như những con hẻm trong giao thông: có ánh sáng từ trên xuống, có hẻm to hẻm nhỏ, có lối vào. Khách ghé vào uống cà phê chỗ này, làm việc góc kia, ăn bánh chỗ nọ…
Nội thất của một khu ẩm thực
Các góc nhìn xuyên không gian với màu sắc được tính toán kỹ lưỡng
Vì ý tưởng là những con hẻm nên nhóm muốn giao thông liền lạc, giống như người ta đi từ đường vào hẻm và không có cảm giác đang từ “ngoài” vào “trong”, không muốn có cảm giác không gian bị phân chia bởi các khoảng giật cấp. Nhóm thiết kế xử lý lại cốt nền bằng cách tạo độ dốc nhẹ chứ không giật cấp như vốn có. Lát gạch tàu từ bên ngoài vào trong, giống nhau và giảm dần rồi chuyển hẳn sang xám để không có cảm giác trong – ngoài một cách quá rõ. Vấn đề của họ là việc phải phân bổ các cụm phục vụ ẩm thực dựa trên hệ kết cấu móng sẵn có theo thiết kế ban đầu của phòng gym. Khác nhau về công năng nên cần thiết phải có những điều chỉnh. Họ làm một hệ thống đà phụ nối các móng ban đầu, tạo nên một hệ đà kiềng mới mà không phải đào thêm bất kỳ một cái móng nào…
Từ không gian nội thất của một khu ẩm thực nhìn xuyên qua “hẻm” sang không gian đối diện
Các góc nhìn xuyên không gian khác nhau qua những ô cửa, những vòm cong
Rồi Hẻm cũng được hình thành và đi vào hoạt động sau rất nhiều nỗ lực củanhóm thiết kế cũng như những chủ đầu tư còn lại. “Khu phố ẩm thực” này rộng 500 mét vuông, gồm sáu khối chức năng khác nhau như nhà hàng, bếp, quầy bánh…, từng khối như một tiệm nhỏ. Tất cả được sắp xếp trong một trật tự mà từ đó hình thành những đường hẻm bao quanh, vừa là giao thông, vừa là chỗ ngồi, liên tục từ trong ra ngoài. Mỗi khối là một màu, lấy cho mình hình dáng của một căn nhà nhỏ, khi xếp lại cùng nhau tạo thành một ngôi nhà lớn nhìn từ tổng thể chung.
Ánh sáng từ mái xuống các con hẻm
Những người thiết kế đã không để những vấn đề bên ngoài tác động vào quan điểm làm nghề của họ. Họ cực kỳ kỹ tính về màu sắc nên có những mảng màu phải sơn đi sơn lại nhiều lần để đạt được hiệu quả mong muốn. Ở đây, màu sắc được phối theo thứ tự lớp lang, theo tỷ lệ ít – nhiều, góp phần tạo nên sự đa dạng trong cảm giác về không gian… Việc chọn màu chủ đạo riêng cho mỗi khối ẩm thực cũng giúp cho đội ngũ phục vụ cũng như những thực khách có hẹn đến tìm nhau ở Hẻm dễ dàng xác định vị trí hơn. Đồ đạc nội thất được lựa chọn hoặc thực hiện đóng mới theo các mẫu cũ, vốn quen thuộc với người dân miền Nam… Tất cả khiến cho người đến đây có cảm giác đang ở đâu đó trong một con hẻm mình từng biết đến ở Sài Gòn.
Theo noithat magazine